Phụ lục hợp đồng là một phần quan trọng của hợp đồng và có hiệu lực như hợp đồng. Đây là công cụ quan trọng giúp hoàn thiện và bổ sung tính pháp lý khi ký kết và thực hiện hợp đồng. Vậy phụ lục hợp đồng là gì? Soạn thảo phụ lục và mẫu phụ lục chuẩn form ra sao? Hãy cùng HappyTime tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Phụ lục hợp đồng là gì?
Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.”
Như vậy, có thể hiểu phụ lục hợp đồng là văn bản đi kèm với hợp đồng và có hiệu lực pháp lý như hợp đồng. Phụ lục sẽ quy định chi tiết một số điều khoản sửa đổi, bổ sung trong hợp đồng. Trường hợp phụ lục có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Phân loại phụ lục
Hiện nay, cách phân loại phụ lục phổ biến nhất là theo mục đích ký kết phụ lục. Theo đó, phụ lục có thể chia thành 2 loại:
- Phụ lục quy định chi tiết một số điều khoản đã có trong hợp đồng: Loại phụ lục này sẽ được ký kết khi trong hợp đồng có một hoặc một số điều khoản chưa rõ ràng. Việc lập phụ lục sẽ góp phần giải thích chi tiết hơn các điều khoản đó. Tuy nhiên, nội dung của phụ lục không được trái so với nội dung đã đề cập trong hợp đồng. Ví dụ: phụ lục hợp đồng quy định chi tiết điều khoản công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện…
- Phụ lục sửa đổi, bổ sung điều khoản có trong hợp đồng: Trường hợp hợp đồng đã ký cần thay đổi, sửa đổi nội dung một hoặc một số điều khoản thì hai bên sẽ ký kết phụ lục loại này. Ví dụ khi gia hạn hoặc rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng, trường hợp tăng hoặc giảm giá trị hợp đồng…
Những điểm cần lưu ý về phụ lục hợp đồng lao động theo quy định pháp luật
Đây là văn bản pháp lý được ký kết giữa người lao động (nhân viên) và người sử dụng lao động (tổ chức, doanh nghiệp). Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019, phụ lục là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục được các bên ký kết nhằm mục đích để sửa đổi, bổ sung hoặc được dùng để quy định chi tiết một số nội dung trong hợp đồng lao động.
Khi ký kết phụ lục hợp đồng lao động, hai bên cần lưu ý những vấn đề sau:
Về nội dung của phụ lục
– Phụ lục không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
– Phụ lục nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động phải đảm bảo không dẫn đến cách hiểu khác với nội dung trong hợp đồng đó. Trường hợp gây nhầm lẫn hoặc tạo ra cách hiểu khác thì thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động được giao kết lúc đầu.
– Phụ lục nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
>>> Tham khảo thêm: Mẫu hợp đồng lao động chi tiết và chuẩn nhất hiện nay – Tải miễn phí
Về thời gian báo trước khi ký phụ lục
– Phụ lục quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động: Không quy định thời gian báo trước.
– Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng lao động: Bên yêu cầu sửa đổi phải báo trước 03 ngày về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho bên còn lại biết để thống nhất thỏa thuận (Điều 33 Bộ luật Lao động 2019).
Số lượng phụ lục được ký giữa các bên
Pháp luật lao động hiện hành không giới hạn số lượng phụ lục hợp đồng lao động được ký giữa các bên. Do đó, khi có nhu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc quy định chi tiết điều khoản trong hợp đồng lao động, hai bên đều có thể thỏa thuận và ký kết phụ lục đi kèm.
Phân biệt giữa phụ lục hợp đồng và hợp đồng phụ
Đây là hai khái niệm thường xuyên gây nhầm lẫn. Theo quy định tại Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính”. Như vậy có thể hiểu, hợp đồng phụ cũng là một dạng hợp đồng, trong đó hiệu lực của hợp đồng phụ sẽ thuộc vào hợp đồng chính.
Đồng thời, sự vô hiệu của hợp đồng chính sẽ là căn cứ chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính (quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ). Bên cạnh đó, sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính (theo quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015).
Bảng phân biệt hợp đồng phụ và phụ lục hợp đồng
Tiêu chí | Phụ lục hợp đồng | Hợp đồng phụ |
Khái niệm | Là văn bản quy định chi tiết hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng. | Là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. |
Căn cứ phát sinh | Phụ lục phát sinh từ 01 hoặc 01 số điều khoản trong hợp đồng. | Hợp đồng phụ có căn cứ phát sinh từ hợp đồng chính và phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. |
Bản chất | Phụ lục chỉ là 01 phần của hợp đồng và chỉ có ý nghĩa khi gắn với 01 hợp đồng cụ thể. Nếu tách rời, phụ lục không có giá trị. | Hợp đồng phụ là một loại hợp đồng, bản chất là thỏa thuận có thể làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ của chủ thể ngay cả khi nó đứng độc lập. |
Nội dung | Nội dung của phụ lục không được trái với nội dung trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận điều khoản trong phụ lục trái với hợp đồng thì mặc định là điều khoản trong hợp đồng đã bị sửa đổi. | Nội dung của hợp đồng phụ cũng được xem là nội dung của hợp đồng. |
Hiệu lực | Phụ lục có hiệu lực như hợp đồng, phụ thuộc vào hợp đồng. Khi hợp đồng bị chấm dứt hoặc vô hiệu thì phụ lục hợp đồng cũng không còn hiệu lực. | Hợp đồng phụ có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015). |
Phụ lục và những nội dung cần có
Căn cứ vào nội dung và loại hợp đồng, cũng như thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật liên quan thì phụ lục sẽ có những điều khoản nội dung khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung phụ lục sẽ cần có đầy đủ những nội dung chính như sau:
Về thông tin chung
- Tiêu đề: Tiêu đề cần thể hiện rõ ràng nội dung chính và mục đích của phụ lục. Cụ thể là bổ sung, thay đổi hợp đồng…
- Số hiệu: Giúp phân biệt các phụ lục khác nhau trong cùng một hợp đồng.
- Ký hiệu: Giúp phân biệt các phiên bản khác nhau của cùng một phụ lục.
- Ngày lập: Ngày mà phụ lục được lập và ký kết.
- Tham chiếu đến hợp đồng chính: Phụ lục nên nêu rõ tên và ngày ký của hợp đồng chính mà phụ lục đang bổ sung hoặc điều chỉnh.
Về nội dung chính
- Nội dung điều khoản cụ thể cần bổ sung, sửa đổi hoặc giải thích là điều khoản nào trong hợp đồng chính.
- Cần nêu rõ ràng, chi tiết và cụ thể về điều khoản đó để tránh gây hiểu lầm. Đặc biệt, nội dung cần nhất quán với nội dung điều khoản trong hợp đồng gốc, không được trái với nội dung hợp đồng gốc.
Về thông tin các bên tham gia phụ lục
- Tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của các bên tham gia hợp đồng.
- Chữ ký và đóng dấu của đại diện hợp pháp của các bên.
Quy định về điều khoản thi hành
- Quy định về cách thức thi hành phụ lục.
- Hiệu lực và thời hạn của phụ lục: Xác định thời gian có hiệu lực của phụ lục, thời hạn kết thúc hoặc điều kiện chấm dứt phụ lục.
- Trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến phụ lục hợp đồng, cách thức giải quyết được quy định cụ thể là gì.
11 mẫu phụ lục hợp đồng chi tiết và chuẩn nhất hiện nay
Mẫu phụ lục hợp đồng lao động
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng lao động tại đây
Mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế tại đây
Mẫu phụ lục hợp đồng mua bán
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng mua bán tại đây
Mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà tại đây
Mẫu phụ lục hợp đồng dịch vụ
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng dịch vụ tại đây
Mẫu phụ lục hợp đồng xây dựng
Tải ngay mẫu phụ lục hợp đồng xây dựng tại đây
Mẫu phụ lục thay đổi thông tin hợp đồng
Tải ngay mẫu phụ lục thay đổi thông tin hợp đồng tại đây
Mẫu phụ lục điều chỉnh giá
Tải ngay mẫu phụ lục điều chỉnh giá tại đây
Mẫu phụ lục điều chỉnh thuế VAT
Tải ngay mẫu phụ lục điều chỉnh thuế VAT tại đây
Mẫu phụ lục bằng tiếng anh
Tải ngay mẫu phụ lục bằng tiếng anh tại đây
Mẫu phụ lục song ngữ
Tải ngay mẫu phụ lục song ngữ tại đây
Giải đáp một số câu hỏi về phụ lục
Pháp luật quy định như thế nào về hiệu lực của phụ lục hợp đồng lao động?
Từ khái niệm về phụ lục hợp đồng lao động và căn cứ Điều 23 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hiệu lực của hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày hai bên giao kết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, phụ lục sẽ có hiệu lực kể từ ngày 02 bên giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Phụ lục có cần công chứng không?
Việc công chứng phụ lục sẽ phụ thuộc vào hợp đồng chính và quy định của pháp luật có liên quan. Ví dụ theo quy định của Luật Nhà ở 2023, thì hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nhà đất cần công chứng, chứng thực. Do đó phụ lục của những hợp đồng này cũng cần công chứng, chứng thực như hợp đồng chính. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng thông thường khác như hợp đồng lao động, việc công chứng là không bắt buộc theo quy định của pháp luật.
>>> Tìm hiểu thêm: Hồ sơ nhân sự là gì? Giải pháp lưu trữ và quản lý hồ sơ nhân sự an toàn <<<
Trường hợp nào không được ký phụ lục hợp đồng lao động?
Pháp luật không quy định cụ thể các trường hợp không được ký phụ lục. Do đó, khi cần sửa đổi hay bổ sung hợp đồng thì hai bên có thể thỏa thuận lập và ký phụ lục. Tuy nhiên trường hợp phụ lục chứa nội dung thay đổi, điều chỉnh thời hạn hợp đồng lao động thì sẽ không được ký theo quy định Bộ luật Lao động.
Có được ký phụ lục để bổ sung trợ cấp không?
Pháp luật không hề cấm do đó các bên có thể thỏa thuận và ký phụ lục để bổ sung nội dung trợ cấp, phụ hoặc hoặc các khoản phúc lợi khác. Tuy nhiên, nội dung này không được trái quy định pháp luật và không được làm giảm quyền lợi của người lao động. Trường hợp việc ký phụ lục làm thay đổi loại hợp đồng đã ký thì hai bên sẽ phải ký hợp đồng lao động mới (theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2019). Ví dụ trường hợp phụ lục thay đổi từ hợp đồng xác định thời hạn sang hợp đồng không xác định thời hạn.
Cần lưu ý những gì khi ký phụ lục để đảm bảo quyền lợi tối đa?
Để đảm bảo quyền lợi khi ký phụ lục, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Quá trình thỏa thuận, hai bên cần hiểu rõ hợp đồng chính và nghiên cứu kỹ quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo nội dung phụ lục không có điều khoản trái với hợp đồng chính hoặc trái với pháp luật.
- Tuân thủ nguyên tắc ký kết phụ lục. Cụ thể theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015, hai bên cần tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực, không được lạm dụng quyền lực để gây bất lợi cho bên còn lại khi ký kết và thực hiện hợp đồng và phụ lục.
- Để đảm bảo tính chính xác, có thể nhờ tư vấn từ luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý.
Vi phạm liên quan đến phụ lục hợp đồng lao động sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, việc thay đổi thời hạn của hợp đồng lao động khi ký phụ lục là không được phép. Trường hợp hai bên ký kết phụ lục vi phạm điều này sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử phạt được quy định như sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Số hóa hợp đồng và phụ lục hợp đồng với giải pháp quản trị nhân sự tổng thể Happy Time
Việc quản lý và lưu trữ hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các văn bản hành chính khác là việc quan trọng và cần thiết ở mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên với những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đây lại là công việc đầy thách thức. Vì số lượng văn bản, hồ sơ lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng thất lạc hoặc khó khăn khi cần tìm kiếm.
Bên cạnh đó, trường hợp có thay đổi về nội dung hợp đồng, việc bổ sung, điều chỉnh bằng phụ lục cần được theo dõi chính xác để đảm bảo yêu cầu về pháp lý. HappyTime chính là giải pháp giúp số hóa hoạt động này, đảm bảo lưu trữ tập trung và loại bỏ hoàn toàn rủi ro.
HappyTime với tính năng Quản lý và theo dõi hợp đồng, phụ lục hợp đồng
- Số hóa, lưu trữ tập trung hợp đồng, phụ lục hợp đồng và mọi thông tin liên quan đến nhân sự. Nhờ đó giảm thiểu các rủi ro pháp lý và tranh chấp liên quan đến hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
- Dễ dàng tìm kiếm và cập nhật thông tin theo từ khóa hoặc bộ lọc nâng cao. Từ đó, tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính chính xác.
- Xây dựng quy trình xử lý hợp đồng khoa học và linh hoạt.
- Hỗ trợ tính năng lưu trữ mẫu hợp đồng, phụ lục hợp đồng. Bộ phận nhân sự khi cần ký kết hợp đồng, phụ lục mới có thể tìm kiếm và tải mẫu về nhanh chóng.
- Hệ thống gợi ý chỉnh sửa nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng khi nội dung văn bản mẫu có sự cập nhật, thay đổi.
- Theo dõi và nhắc nhở thời hạn ký/tái ký hợp đồng.
- Phân quyền quản trị bảo mật và thông minh theo phòng ban, vị trí…
Kết luận
Hy vọng bài viết này của HappyTime đã giúp bạn đọc hiểu thêm về phụ lục hợp đồng. Đồng thời, 11 mẫu phụ lục hợp đồng sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tham khảo và soạn thảo được phụ lục cho hợp đồng của mình.